Mở đầu bằng một câu chuyện ngụ ngôn nhé!
Có hai anh chàng thi nhau đốn củi, xem ai “giải quyết” xong số cây của mình trước khi mặt trời lặn. Chàng trai thứ nhất đốn miệt mài không biết mệt là gì, trong khi anh thứ hai cứ đốn một lúc lại thong thả tìm bóng cây ngồi nghỉ. Kết quả cuối ngày: anh thứ hai thắng cuộc! Người ta hỏi bí quyết gì vừa làm vừa nghỉ mà lại đốn nhanh thế, anh chỉ cười và đáp ngắn gọn: “Trong lúc nghỉ, tôi mài rìu”.
Hãy hỏi bản thân xem, đã đến lúc mài rìu chưa? Ảnh: internet
Đọc đến đây, bạn có suy nghĩ gì? Ngay lúc này, phải chăng có một tia lửa điện/sấm sét/ánh chớp/nguồn sáng hay bất cứ thứ gì tương tự xẹt qua đầu bạn, khiến bạn phải à lên: “Ra là thế!”? Không cần giải thích thêm, chắc hẳn bạn cũng tìm thấy mối liên hệ giữa hành động mài rìu và hiệu quả công việc. Vấn đề là đã từ lâu, những cẩm nang công sở với hàng trăm bí quyết hay ho phần lớn chỉ khuyên bạn buông rìu để “refresh” nhưng lại quên nhắc bạn mài rìu cho sắc. Bạn được nạp năng lượng mới sẽ trở nên tươi tắn, khỏe mạnh và minh mẫn hơn. Điều đó tốt thôi, nhưng nếu rìu của bạn “không khỏe”, lưỡi cùn hết cả thì đốn mấy cũng chẳng được bao nhiêu củi.
PHẢI CHĂNG TA CHỈ NHÌN THẤY CÁN MÀ KHÔNG THẤY LƯỠI RÌU?
Một điều dễ thấy là rất nhiều người tập trung mài rìu trước khi vào rừng đốn củi, nghĩa là chỉ trau dồi kiến thức và kỹ năng trên bước đường tìm việc. Thế nhưng, khi đã yên nơi ấm chỗ và nhất là thu nhập kha khá thì “rìu ơi chào mi”. Tâm lý thỏa hiệp với bản thân và tự hài lòng với năng lực hiện tại giống như một loại virus cảm, ho, sổ mũi vậy. Chúng luôn chực chờ để “xâm nhập” vào tư tưởng và làm bạn ngủ quên trên chiến thắng. Đấy, bạn cứ nhìn anh chàng thứ nhất là rõ. Quá tự tin rằng mình sức dài vai rộng, đốn củi cả ngày không biết mệt nên anh ấy quên mất vai u thịt bắp là yếu tố “cần” nhưng chưa “đủ” để hạ hết số cây, nhất là trong một cuộc thi thố.
Tương tự, năng lực cá nhân và kinh nghiệm làm việc lâu năm không đủ để bạn bứt phá trong công việc và đạt đến những vị trí cao hơn. Hoặc nếu bạn nói rằng mình không thích bon chen, tranh đua, làm phó thường dân là đủ chứ không màng đến trưởng phòng, giám đốc… thì việc bỏ quên chiếc rìu cùn theo năm tháng cũng chính là tự bào mòn niềm đam mê trong công việc. Điều đó mới “kinh khủng” làm sao! Nó giống như bạn kết hôn mà không yêu, như nấu canh không nêm muối, như đi biển không mang theo bikini vậy.
Có phải mỗi ngày bạn đến công sở lúc 8h30 về nhà lúc 5h30, cố gắng hoàn thành hết mớ việc ngồn ngộn, thậm chí chép USB và tay xách nách mang về nhà “cày” tiếp? Lịch trình này diễn ra đều đặn mỗi ngày. Rất tốt! Thế nhưng bạn là “newbie” (người mới) à? Chỉ có tân binh mới cần cắm cúi làm việc và chỉ làm việc thôi, vì họ cần cọ xát, cần kinh nghiệm, cần sự thành thạo. Qua thời kỳ tân binh mà chúng ta chỉ chăm chăm mỗi một chuyện là làm hết việc nơi công sở rồi về nhà đánh một giấc cho lại sức thì rõ ràng ta chỉ thấy cán rìu mà quên béng cái lưỡi (vốn mỗi ngày cùn đi). Cầm chắc cán là điều tốt, bạn ạ! Nhưng nếu bạn chỉ vung rìu đều đều như một cỗ máy đốn gỗ thì có hai khả năng. Một là bạn chọn sai nghề, hai là bạn bị “mất lửa” và cảm thấy bất mãn tạm thời hoặc… cả đời với công việc mình đang làm.
Bạn biết đấy, hầu như mọi người đều có lúc không chú ý đến lưỡi rìu trong suốt quãng thời gian đi làm. Thậm chí, ngay cả việc nghỉ ngơi để tiếp sức chúng ta còn quên bẵng, nói gì đến việc bổ sung kỹ năng. Bên cạnh đó, cuộc sống ngày càng có nhiều mối bận tâm cũng khiến bạn tiêu tốn thời gian và tâm sức. Nhưng thôi, chúng ta sẽ không “đổ thừa” cho những lý do đó nữa nhé! Giờ là lúc bạn tìm hòn đá mài và… đọc tiếp!
4 BƯỚC ĐỂ ‘ĐỐN GỖ” HIỆU QUẢ
Mài rìu là bước cuối cùng, quan trọng nhất nhưng gần như không tăng hiệu quả đốn củi là bao nếu bạn bỏ qua 3 bước đầu tiên.
Bước 1: Nghỉ tay nào!
Bận rộn là mẫu số chung của người năng động thời hiện đại. Ngụp lặn giữa bao nhiêu thứ học hành, công việc, gia đình, con cái… khiến chúng ta cảm thấy nếu ngả lưng một chút nhìn mây bay cũng… có tội với quỹ thời gian eo hẹp. Ngày làm việc 8 tiếng có vẻ chỉ là lý thuyết. Kết quả: stress chồng chất song hành với mệt mỏi, suy kiệt. Theo nghiên cứu, công việc là “thủ phạm” gây stress lớn nhất và có đến 81% số người được hỏi trên toàn cầu cho biết công việc ảnh hưởng đến sức khỏe của họ.
Bạn hãy viết ngay dòng chữ ‘NHỚ NGHỈ NGƠI” (hay nội dung đại loại thế) thật to, dán trên tường ở nơi dễ thấy mỗi ngày để nhắc nhớ, nếu bạn đích thị là người nghiện công sở. Bệnh “nan y” đấy! Sẵn tiện, bạn hãy ghi luôn mấy con số sau bên dưới câu khẩu hiệu kia:
NHỚ NGHỈ NGƠI, và… - Ngủ 7 tiếng - Ăn 3 bữa - Uống 6 ly nước - Nghe nhạc 10 phút - Tập thể dục 30 phút |
Nhắc bạn luôn là thức khuya rất khủng khiếp, nhất là khi bạn ngồi lì trước máy vi tính. Bạn đang âm thầm hủy hoại da, tóc, mắt, tai, tim, phổi… của mình đấy! Nếu bạn không muốn tiền kiếm được lại phải biếu cho bác sĩ thì ngay bây giờ, ngay hôm nay, hãy quy định giờ đi ngủ của mình là 12h nhé! Nếu tối nay bạn định thức khuya để làm nốt phần việc nào đấy thì nên nghĩ lại, xem có thể sắp xếp cách khác hay không. Và trong ngày làm việc bận rộn của mình, hãy tranh thủ những khoảng trống 5-10 phút để thư giãn, có thể chỉ đơn giản là ngồi thoải mái, thả lỏng cơ thể và tập trung ngắm bình hoa trước mặt hay phóng tầm mắt ra tàn cây xanh mát ngoài cửa sổ.
Làm việc liên tục, thâu đêm suốt sáng tuy có thể giúp bạn “sống sót” với vài cái deadline ngay trước mắt nhưng về lâu về dài sẽ trở thành “line” dẫn bạn đến chỗ “dead” luôn đấy!
Bước 2: Nắm rìu cho chắc
Tuy anh chàng thứ nhất trong câu chuyện của chúng ta thua cuộc, nhưng ít nhất anh ấy cũng có sức mà đốn suốt ngày. Nếu vừa vung rìu vừa thở hổn hển thì đến tết Congo cũng chưa đốn được cây nào đâu! Đối với công việc cũng thế. Bạn cứ thử ốm một tuần xem. Khi ấy, rìu sắc cũng chẳng có dịp mà dùng.
Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Bristol (Anh), những người tập thể dục trước khi đi làm hoặc trong giờ nghỉ trưa sẽ xử lý tình huống tốt hơn, làm việc hiệu quả hơn, vui vẻ và ít bị stress hơn so với những ngày họ không tập thể dục.
Cuộc nghiên cứu được thực hiện với 200 nhân viên của trường đại học và 2 công ty. Mỗi người trả lời một bảng câu hỏi về tâm trạng, khối lượng công việc cũng như khả năng thực hiện của họ trong những ngày có tập thể dục và những ngày đóng vai lười. Kết quả thu được từ những ngày có vận động thật đáng ngạc nhiên:
- 72% cho biết họ sử dụng thời gian hợp lý hơn.
- 79% nhạy bén hơn và giao tiếp tốt hơn.
- 74% xoay sở tốt hơn với khối lượng công việc của mình.
- Khả năng ứng phó với stress cao hơn 27%.
- Cảm giác hăng hái làm việc cao hơn 41%.
- Khả năng tập trung cao hơn 21%.
- Khả năng hoàn thành công việc đúng hạn cao hơn 22%.
Tuy nhiên, tập thể dục chỉ mới là liều thuốc bổ cho cơ thể, bạn còn cần nạp năng lượng cho tinh thần mới đủ “bộ đôi hoàn hảo”.
Có thể nhiều người cho rằng vui chơi là khoảng thời gian bị ném ra ngoài cửa sổ, hoàn toàn không phục vụ cho các nhu cầu bức thiết của cuộc sống. Nhưng theo quan niệm tiến bộ, giải trí là cơ hội cho phép chúng ta nhìn lại những giá trị đã bị lấn át giữa bao nhiêu tất bật thường ngày. Vì vậy, nó chính là yếu tố thiết yếu trong sự phát triển bản thân và cả nền văn minh nhân loại. “Chà, gì mà to tát thế!”, nếu bạn đang tự nhủ như vậy thì nên biết thêm hướng suy nghĩ này đã mở rộng thành quan điểm, cho rằng vui chơi giải trí là một phần thưởng, là mục đích của làm việc, là quyền con người theo bản tuyên bố về nhân quyền của Liên hiệp quốc và đời sống giải trí phản ánh giá trị của một quốc gia.
Trong tiếng Anh, từ “giải trí” (recreation) bắt đầu được sử dụng vào khoảng cuối thế kỷ XIV với nét nghĩa đầu tiên là “làm sảng khoái hay chữa lành một người bệnh”, xuất xứ từ tiếng La tinh “re-creare” nghĩa là “tái tạo”. Vì vậy, giải trí lành mạnh và bổ ích (nhấn mạnh là “lành mạnh và bổ ích” nhé!) sẽ hỗ trợ công việc và đặc biệt cần thiết để “sạc pin” cho cơ thể, giúp tái tạo sức lao động và sức sáng tạo. Tùy theo sở thích và điều kiện, bạn có thể chọn cho mình một vài hoạt động giải trí: đọc sách, nghe nhạc, xem phim, làm vườn, chơi thể thao, đi du lịch...
Để chạy trốn nhịp sống hối hả và bức bối của đô thị, nhiều người đang tìm về với đồng quê dân dã như một thú chơi thời thượng. Chúng ta hãy thử điểm qua vài ngôi sao Hollywood nhé!
“Cô luật sư tóc vàng” Reese Witherspoon cứ đến cuối tuần lại về nông trang ở Ojai, cách Los Angeles 90 dặm về phía Bắc để nuôi lợn, gà, ngựa… và trồng dưa leo, cà chua… Một người bạn của cô kể rằng gà đẻ trứng nhiều đến nỗi cô ăn không kịp nên mang cho hàng xóm, bạn bè và có biệt danh “Chicken Lady” từ đó.
Siêu mẫu – diễn viên Elizabeth Hurley có hẳn một dinh thự đồng quê ở Anh, nơi cô nuôi 4 con chó, 2 con mèo, 3 con ngỗng, 8 con gà, 49 con bò, 63 con cừu và 82 chú ỉn. Người đẹp này khẳng định đời sống ở nông thôn “quyến rũ” hơn ở thành thị. Nữ diễn viên Rachel McAdams mới đây cũng chia sẻ cô sẽ từ bỏ cuộc sống hào nhoáng ở Hollywood để… làm nông: “Tôi ước rằng tôi có thể tự nuôi trồng thức ăn cho mình”, cô tâm sự.
Bất kể bạn chọn hình thức nào, những giây phút giải trí chắc chắn sẽ có tác dụng xoa dịu thần kinh, đẩy lùi stress, tiếp thêm năng lượng và khơi dậy cảm hứng, ý tưởng cho công việc của bạn.
Bước 3: Kiểm tra rìu
Đến đây, xin hỏi bạn vài câu nhé!
- Bao lâu rồi bạn không đăng ký khóa học nào (từ những lớp về chuyên môn đến các khóa nấu ăn, khiêu vũ, trang điểm…)?
→ Nếu 1 năm nay bạn không nạp thêm kiến thức nào thì rìu của bạn cùn lắm rồi đấy!
- Vali của bạn sạch trơn và mới tinh hay là dán đầy tem của hãng hàng không (chứng tỏ bạn là dân đi du lịch nước ngoài khá thường xuyên)?
→ Quanh quẩn một nơi và bó buộc mình trong không gian nhỏ hẹp là cách nhanh nhất để rìu đóng một lớp gỉ sét.
- Bạn có thể kể ngay tên của 30 quán cà-phê/quán ăn trong thành phố (nơi bạn thường ngồi với chiến hữu) hay không?
→ Giao lưu thường xuyên cũng là một cách học hỏi. Ít nhất, bạn cũng được kích thích để vác rìu đi mài khi thấy những cô bạn của mình luôn mới mẻ và tràn đầy sức sống.
Bước 4: Mài thật sắc
Kiểm tra xong độ mòn của lưỡi rìu, giờ là bước quan trọng nhất!
Proguide không thể tặng cho bạn một lời khuyên cụ thể nào, bởi mỗi ngành nghề có cách “mài” khác nhau. Chẳng hạn, với người làm nghề viết lách thì “đi nhiều - gặp rộng - viết sâu” là một cách để rìu thêm sắc, nhưng cụ thể thế nào, chính bạn phải là người tìm ra phương thức. Cũng như với kiến trúc sư, rìu được mài không chỉ bằng cách thiết kế thêm nhiều công trình mà còn phải bước ra thế giới để hiểu thêm nhu cầu của con người hiện đại. Suy cho cùng, nhà đẹp chính là nhà thỏa mãn được nhu cầu của gia chủ, phải không? Hay với người đầu bếp, mài rìu đồng nghĩa với việc tìm tòi sự kết hợp mới mẻ giữa những nguyên liệu quen thuộc để làm nên các món ăn đặc sắc.
Tất nhiên, khi bạn đã theo đuổi một công việc nào, bạn sẽ luôn có cách để mài rìu cho sắc. Mấu chốt vấn đề chỉ nằm ở việc bạn có nhận ra mình đang “lụt nghề”, đang đi lùi so với thời đại hoặc đang giậm chân tại chỗ so với thế giới trôi vùn vụt xung quanh hay không.
TÌM THỜI GIAN ĐỂ MÀI RÌU – CÂU CHUYỆN MUÔN THUỞ
Có thể nói, anh chàng thứ hai chiến thắng là nhờ có chiến lược tốt, biết nghỉ lấy sức và mài rìu thật sắc để đốn củi hiệu quả hơn. Quan trọng hơn cả là anh ấy tự tạo được cho mình những khoảng nghỉ - một điều ngày càng trở nên khó với những “con bệnh” nghiện việc và những người không biết cách cân bằng công việc với cuộc sống
Theo các nhà phân tâm học, sự bất ổn dường như là thái độ chủ đạo của con người trong đời sống hiện đại. Bất ổn do áp lực từ xã hội, nỗi sợ thất bại, sợ những giới hạn của bản thân, sợ không đạt được những gì xã hội kỳ vọng và đặc biệt là niềm khao khát được công nhận. Có vẻ như ai cũng ở trong một cuộc đua thường trực để rồi tuần làm việc 70 giờ dường như là tiêu chuẩn mới hướng đến thăng tiến. Trách nhiệm thay đổi điều này thuộc về xã hội và các công ty, doanh nghiệp.
Ở châu Âu, luật lao động quy định tuần làm việc tối đa 48 giờ. Nhiều nước còn chọn mức thấp hơn như Pháp ấn định 35 giờ/tuần, Phần Lan thử nghiệm 30 giờ/tuần. Tại Anh, người đi làm có con nhỏ dưới 6 tuổi được phép yêu cầu một thời gian biểu làm việc linh động hơn.
Nhiều công ty đã bắt đầu nhận ra sự cân bằng công việc – cuộc sống có ảnh hưởng thế nào đến năng suất và khả năng sáng tạo của nhân viên, từ đó khuyến khích những hình thức làm việc linh hoạt như bán thời gian hoặc làm việc tại nhà. Tiến bộ hơn, có những doanh nghiệp còn áp dụng chế độ nghỉ phép bắt buộc, khống chế giờ làm việc tối đa và tạo điều kiện để nhân viên… không thể tiếp tục làm việc sau giờ quy định. Chẳng hạn như một công ty truyền thông ở Q. 1, Tp.HCM, cứ đến 6h chiều là tắt hết đèn để nhân viên phải đi về và không chấp nhận việc chép dữ liệu vào USB để mang về nhà “cày” cả đêm.
Đông Vương
No comments:
Post a Comment